Tìm Ý Chính là gì?
Tìm Ý Chính là quá trình giải mã nghĩa của từng từ trong câu, nghĩa của từng câu trong đoạn văn và tiếp tục như vậy. Khi người đọc đã nắm bắt được Ý Chính của văn bản, họ hiểu rõ hơn mục đích của các chi tiết trong văn bản và từ đó củng cố thêm nhận thức về những Ý Chính đã tìm ra.
Để hiểu chi tiết khái niệm “ý chính”, cần phân biệt các thuật ngữ sau: chủ đề, ý chính, chủ điểm, câu chủ đề và mục đích.
-
Chủ đề của một văn bản là chủ thể – thứ mà văn bản đó đề cập đến.
-
Ý tưởng là những điều bạn nói về một chủ đề.
-
Chủ điểm là một ý tưởng được lặp đi lặp lại xuyên suốt một văn bản hoặc tập hợp các văn bản.
-
Câu chủ đề là thuật ngữ được dùng để xác định câu trong một đoạn văn có chứa ý chính.
-
Mục đích là những gì mà tác giả đang cố gắng truyền tải.
Tại sao Tìm Ý Chính lại quan trọng?
Tìm Ý Chính và xác định mối quan hệ giữa ý chính với các ý bổ trợ giúp làm rõ ý chính thực sự là bản chất của việc đọc hiểu. Nếu không thể hiểu tác giả đang cố gắng nói điều gì hoặc tại sao tác giả lại chọn cung cấp cho chúng ta một số chi tiết nhất định, chúng ta chẳng thể hiểu văn bản.
Tìm Ý Chính và xác định điều gì là quan trọng là những kỹ năng trước hết phải có khi thực hiện tóm tắt văn bản. Tóm tắt đòi hỏi người đọc phải xác định những chi tiết quan trọng và loại bỏ những chi tiết không quan trọng để diễn tả lại ý chính bằng ngôn từ của mình. Tóm tắt đã được chứng minh là phương pháp quan trọng giúp người đọc cải thiện khả năng thấu hiểu ý nghĩa văn bản.
Tìm Ý Chính dạy trẻ phân biệt thông tin quan trọng với những chi tiết kém quan trọng hơn trong văn bản. Khả năng xác định ý chủ chốt và thông tin nổi bật đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển hiểu biết sâu sắc.
Làm thế nào để giúp trẻ thực hành Tìm Ý Chính?
Quá trình tìm ra mối quan hệ giữa ý chính và ý bổ trợ không phải việc bạn có thể dễ dàng dạy cho trẻ trong một buổi sáng. Thay vào đó, việc truy tìm ý nghĩa văn bản nên được chú trọng mỗi ngày, nên được nhắc đến mỗi ngày và thực hành trong mọi văn bản từ khi trẻ có thể bắt đầu hiểu “ý chính” là gì. Nếu bạn có một nhóm trẻ, hãy làm cho việc truy tìm ý chính trở thành một phần của hoạt động nhóm, thúc đẩy trẻ hỗ trợ và học hỏi lẫn nhau.
Khi bắt đầu hướng dẫn trẻ tìm ý chính, quan trọng là phải sử dụng ngôn từ thông dụng và bộ tiêu chuẩn thông dụng. Trẻ nên hiểu và đủ khả năng để sử dụng các thuật ngữ như ý chính, chủ đề, câu chủ đề, ý bổ trợ và mục đích của tác giả.
Thứ hai, quan trọng là phải làm mẫu quá trình xác định tầm quan trọng và chọn ý chính của văn bản. Sử dụng phương pháp nói to ra suy nghĩ của mình để hướng dẫn trẻ khi bạn tìm ý chính, đồng thời chỉ ra các ý bổ trợ giúp làm rõ kết luận của bạn. Trẻ nên hiểu rằng, việc tìm kiếm ý nghĩa văn bản thường là công việc khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực trí tuệ đáng kể.
Thứ ba, đôi khi có nhiều hơn 1 câu trả lời chính xác. Suy nghĩ và nhận biết của một đứa trẻ về ý chính của tác giả có thể khác biệt một cách hợp lý và hoàn toàn có thể chấp nhận được như suy nghĩ và nhận biết của những trẻ khác.
Cuối cùng, cũng là quan trọng nhất, bạn hãy làm sao để trẻ sẽ đưa ra được “những tranh luận dựa trên nội dung văn bản” cho những gì trẻ cảm nhận về văn bản đó. Nếu con muốn khẳng định rằng Huck Finn là một nạn nhân bất hạnh, trẻ cần phải chỉ ra được những phần nào trong văn bản giúp trẻ chứng minh điều này.
Đây là ví dụ về cách tổ chức một cuộc thảo luận về ý chính và ý bổ trợ. Trước hết, sao chép đoạn văn dưới đây ra giấy, lên bảng hoặc vào vị trí nào đó mà trẻ có thể đọc được.
“Of all the inventions that had an impact on the Chinese culture during Medieval times, the most important was printing. Before there was printing, all books were copied by hand. Books were therefore rare and expensive. The Chinese began printing in the A.D. 500s. They carved characters from an entire page on blocks of wood. They then brushed ink over a wooden page and then laid a piece of paper over the block to make a print. In 1045, a Chinese printer invented printing using moveable type; the books that were made using this process helped spread knowledge throughout China, to a degree that had not been possible before.”
- Đề nghị trẻ xác định chủ đề của đoạn văn
Câu trả lời tốt có thể là “Nghành in ấn” hoặc “Phát minh ra nghề in của Trung Quốc”. Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc đưa ra câu trả lời, bạn có thể giúp trẻ bằng cách nói rằng, phần lớn các câu trong đoạn văn trên đều liên quan tới việc in ấn như nó được thực hiện ra sao và có tác dụng gì.
- Tiếp theo, đề nghị trẻ chỉ ra câu chủ đề và xác định ý chính của đoạn văn
Câu đầu tiên là ví dụ tốt về câu chủ đề. Ý chính của đoạn văn có thể là: in ấn là phát minh quan trọng nhất vì nó cho phép tri thức được phổ biến rộng khắp Trung Quốc.
- Sau đó, đề nghị trẻ xác định các ý bổ trợ cho ý chính.
Nhắc trẻ rằng, trong một số đoạn văn, có thể có các câu không thực sự liên quan tới ý chính và rằng, một số chi tiết có thể quan trọng hơn những chi tiết khác. Chỉ ra cho trẻ thấy, thông tin về cách thức tiến hành in ấn có lẽ không quan trọng bằng thông tin những cuốn sách trước đó chỉ được làm bằng tay và vì thế, trở nên quý hiếm, đắt đỏ. Thời điểm thực sự mà hệ thống sắp chữ động được phát minh ra có lẽ không quan trọng bằng việc (được hàm ý trong đó), nó giúp việc sản xuất sách với số lượng lớn trở nên dễ dàng hơn.
Một cách để thực hành sâu hơn vấn đề này là đề nghị trẻ lập danh sách các câu trong đoạn văn dưới dạng giảm dần về mức độ quan trọng. Sau đó, đề nghị trẻ thảo luận về danh sách vừa tạo ra với bạn hoặc với trẻ cùng nhóm.
Nâng cao kỹ năng Tìm Ý Chính
Mạng lưới từ là một cách vô cùng hữu hiệu để phân tích ý nghĩa văn bản. Ví dụ, mạng lưới từ các từ khoá trong đoạn văn trên sẽ có dạng như sau:
Khuyến khích trẻ tự làm các sơ đồ thông tin (Graphic Organizers) như trên và sau đó, tiến hành so sánh, thảo luận chúng. Trẻ có thể tạo ra các bản đồ từ những đoạn văn được lựa chọn một cách ngẫu nhiên và những trẻ còn lại trong nhóm học (nếu có) sẽ cố gắng sáng tạo lại bản gốc. Hoặc với mạng lưới từ, trẻ có thể viết ra các đoạn văn sao cho khớp với mạng lưới từ đó. Việc tiếp theo là so sánh đoạn văn mới và đoạn văn gốc.
Những sơ đồ dạng này cũng cung cấp nền tảng tốt cho những dạng thảo luận khác. Ví dụ, tác động của phát minh ra nghề in lên nền văn hoá Trung Quốc là gì? Nền văn hoá Trung Quốc thay đổi cụ thể theo hướng như thế nào sau phát minh này?
Sử dụng Tìm Ý Chính khi nào?
-
Đọc: Cho trẻ một đoạn viết có liên quan tới bài học đang học hoặc một tác giả đang đọc. Đề nghị trẻ tạo ra mạng lưới từ nhằm xác định chủ đề, ý chính và ý bổ trợ của đoạn văn.
-
Viết: Viết một đoạn văn ngắn không bao gồm câu chủ đề và đề nghị trẻ viết câu chủ đề cho đoạn văn đó. Đề nghị trẻ viết một đoạn văn ngắn liên quan đến chủ đề nhưng không có câu chủ đề.
-
Toán: Cho trẻ đọc và xác định ý chính trong hướng dẫn toán. Giao cho trẻ viết lại ý bổ trợ dưới dạng mạng lưới từ và để trống phần ý chính.
-
Nghiên cứu xã hội học: Cho trẻ đọc các bài báo thú vị về những tin tức thời sự và ghi lại chủ đề, ý chính và ý bổ trợ. Sau đó, trẻ có thể tóm tắt bài báo cho những trẻ còn lại.
-
Khoa học: Cho trẻ đọc một đoạn văn trong sách khoa học và ghi lại ý chính và ý bổ trợ. So sánh đoạn văn mới với đoạn văn gốc.
Trong mọi hoạt động, quan trọng là khuyến khích trẻ tham gia vào các cuộc thảo luận dựa trên nội dung văn bản và sử dụng tư duy phản biện.
Phạm Hoài Thương là tác giả chính của website Trường Mầm Non Tuổi Hoa Ba Đình, một người có tâm huyết và đam mê với giáo dục mầm non. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục và kỹ năng viết lách xuất sắc, cô Thương đã xây dựng nên một trang web hữu ích và thân thiện, mang đến cho phụ huynh những thông tin giá trị về ngôi trường này. Đọc tiếp